Tác giả

Nguyễn Quang Hưng có 22 năm hoạt động trong lĩnh vực phát triển dự án và thu hút đầu tư. Từ 2005, bắt đầu tham gia xây dựng các dự án do Ngân hàng thế giới và Liên minh Châu Âu tài trợ. Đến 2012, tham gia phát triển các Dự án Trung tâm Thương mại, Siêu thị Big C (Công ty Bất động sản thành viên của Tập đoàn Casino, Pháp). Khi Thương mại điện tử xuyên biên giới dần trở thành xu hướng, Nguyễn Quang Hưng cùng với đối tác đầu tư hệ thống logistics, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và sân bay Nội Bài. Hiện nay, Công ty đang kết hợp với các đối tác quốc tế cung cấp dịch vụ đưa hàng hóa Việt Nam đến với các thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ thông qua các nền tảng Thương mại điện tử hàng đầu như Amazon, Wayfair, Etsy.
Những thay đổi nổi bật trong Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được cho là rõ ràng và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm áp lực cho cơ quan hải quan và người khai hải quan, thuận tiện hơn cho quá trình giao dịch hàng hóa TMĐT.
Từ trước đến nay, hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử hay kênh truyền thống đều thực hiện chung một thủ tục hải quan, chưa có các quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch cho từng loại hình.
Trong khi đó, hàng hóa giao dịch qua TMĐT có những đặc thù riêng, cả cơ quan hải quan, các doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực TMĐT đều chịu áp lực về tốc độ thông quan hàng hóa, số lượng đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp lên tới hàng triệu đơn mỗi ngày. Vì vậy, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hình thức giao dịch này gặp nhiều khó khăn. Có thể liệt kê một số vướng mắc chính sau:
Vướng mắc thứ nhất về quản lý rủi ro đối với hàng TMĐT. Hiện tại, hàng hóa TMĐT chuyển phát nhanh từ Thẩm Quyến, Quảng Châu, Trung Quốc bằng đường bộ về tới kho Hà Nội thông qua khẩu Lạng Sơn hoặc Móng Cái chỉ khoảng 24-48 tiếng. Với tốc độ rất nhanh như vậy lại thiếu sự kết nối đồng bộ thông tin với hải quan nên hệ thống hải quan không có thông tin đến trước của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Vì vậy không đủ cơ sở dữ liệu để đưa ra quyết định miễn kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Vướng mắc thứ hai về xác định giá trị hàng hóa làm cơ sở tính thuế nhập khẩu. Do bản chất của giao dịch online, người mua hàng không có chứng từ liên quan đến trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các chứng từ nhằm chứng minh trị giá giao dịch của hàng hóa. Hơn nữa, người mua trong nước mua hàng online xuyên biên giới không thể thanh toán ngoại tệ trực tiếp cho người bán ở nước ngoài mà thông thường phải thông qua các đơn vị dịch vụ trung gian vì vậy rất khó có cơ sở để cơ quan hải quan thực hiện tính thuế.
Vướng mắc thứ ba về vấn đề cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu. Do người mua hàng chủ yếu là các cá nhân nên không nắm được quy định về các chính sách quản lý xuất nhập khẩu, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử trong khi đó pháp luật quản lý chuyên ngành cũng chưa có quy định miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phục vụ mục đích cá nhân không dùng cho mục đích kinh doanh được giao dịch qua thương mại điện tử.
Trước những bất cập đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tập trung soạn thảo Nghị định để hoàn hành lang pháp lý cho phát triển thương mại điện tử, thực hiện cam kết quốc tế. Dự kiến Dự thảo sẽ được trình Chính phủ xem xét trong quý IV/2024 có những nội dung điều chỉnh đáng chú ý, được kỳ vọng thủ tục sẽ rõ ràng, thông thoáng hơn giúp đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa TMĐT.
Điểm mới thứ nhất: Xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa TMĐT. Hàng hóa TMĐT sẽ tách khỏi hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hiện hành và sẽ được quản lý và giải quyết thông quan thông qua hệ thống riêng (Hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử).
Dự thảo bổ sung thêm người khai hải quan mới là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, chủ sở hữu trang web TMĐT bán hàng, đại lý làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan, các tổ chức tín dụng… sẽ được kết nối với Hệ thống để phục vụ việc xử lý thông quan và quản lý thông tin có liên quan đến hàng hóa TMĐT.
Trong trường hợp chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT ở nước ngoài không hiện diện thương mại tại Việt Nam thì thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hoặc người đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
Bằng việc kết nối và cấp quyền truy cập vào Hệ thống cho các chủ thể có liên quan, trách nhiệm cung cấp thông tin được phân chia cho từng chủ thể phù hợp với chức năng, vai trò của họ. Cụ thể, trước khi thực hiện khai hải quan, chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, chủ sở hữu trang web TMĐT bán hàng hoặc doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa được ủy quyền hợp pháp có trách nhiệm gửi thông tin đơn hàng đến Hệ thống; đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa được đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán ủy quyền cung cấp thông tin thanh toán; doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa hoặc đại lý của doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam cung cấp thông tin vận chuyển đến Hệ thống.
Các chủ thể sẽ chịu trách nhiệm về tính chính xác thông tin do mình cung cấp, là cơ sở để cơ quan hải quan quản lý, giám sát xuất nhập khẩu trong những việc như xác định mặt hàng; đánh giá, phân tích rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp; áp giá trị hải quan; ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể cung cấp thông tin. Ví dụ, Hệ thống sẽ tự động kiểm tra, đối chiếu thông tin trên tờ khai hải quan với thông tin về đơn hàng, thanh toán, vận chuyển. Nếu phát hiện không có sự phù hợp, Hệ thống sẽ phản hồi để người khai hải quan sửa đổi, bổ sung thông tin.
Đây là quy định phù hợp với bản chất của hoạt động mua bán hàng hóa qua TMĐT, vì mặc dù chủ sở hữu sàn TMĐT hay chủ sở hữu trang web TMĐT không phải là bên bán hay bên mua hay đơn vị vận chuyển, nhưng họ nắm giữ toàn bộ thông tin về giao dịch, như giá cả trên đơn hàng, phương thức thanh toán, đơn vị vận chuyển, thông tin bên bán, bên mua và nhiều thông tin khác.
Điểm mới thứ hai: Đơn giản hóa cách xác định trị giá hải quan, đổi mới về chính sách thuế, quy định rõ trường hợp được miễn thuế nhập khẩu, thuế GTGT
Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường, việc xác định trị giá hải quan cần xem xét rất nhiều yếu tố, như cửa khẩu xuất khẩu (hoặc cửa khẩu nhập khẩu); phương pháp xác định giá bán hàng xuất khẩu, xác định trị giá hải quan hàng nhập khẩu; chi phí bảo hiểm quốc tế và vận tải quốc tế; các chứng từ, tài liệu, số liệu và các yếu tố khác.
Còn với hàng hóa TMĐT, người mua (thường là cá nhân tiêu dùng) thanh toán đơn hàng trên cơ sở giá bán niêm yết, nhận các chứng từ xác nhận thanh toán điện tử và hầu như không quan tâm các yếu tố xác định trị giá hải quan. Vì vậy, Dự thảo đã đơn giản hóa trị giá hải quan là giá bán (đối với hàng xuất khẩu) hoặc giá mua (đối với hàng nhập khẩu) ghi trên đơn hàng hoặc chứng từ thanh toán hoặc chứng từ, tài liệu khác có giá trị tương đương, có thể bao gồm chi phí bảo hiểm và vận tải (đối với hàng nhập khẩu) hoặc không bao gồm (đối với hàng xuất khẩu).
Hiện tại, hàng hóa nhập khẩu qua đường bưu chính chuyển phát nhanh với giá trị hải quan từ 1 triệu đồng trở lên hoặc có số tiền thuế phải nộp từ 100.000 đồng trở xuống sẽ được miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế GTGT và không có hạn chế về mức miễn thuế nhập khẩu trong vòng 01 năm. Theo dữ liệu thống kê, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam mỗi ngày khoảng 5 triệu đơn; giá trị mỗi đơn hàng thường dao động chỉ từ vài chục đến vài ngàn đồng. Với quy định hiện tại, hầu hết tất cả các đơn hàng này không phải nộp thuế; điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; cũng như giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Vì vậy, dự thảo Nghị định cũng quy định rằng hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh phải nộp đủ thuế GTGT theo quy định.
Điểm mới thứ ba: Đổi mới về chính sách mặt hàng, phân chia thủ tục hải quan riêng cho từng nhóm mặt hàng
Ngoài các trường hợp được miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành theo quy định thì đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống hoặc trên 2 triệu đồng nhưng tiền thuế dưới 200 nghìn đồng đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc cũng được miễn giấy phép, miễn kiểm tra chuyên ngành nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96 triệu đồng/năm/01 tổ chức, cá nhân.
Và để tránh nhập khẩu những hàng hóa có nguy cơ gây hại cho cộng đồng, Dự thảo loại trừ quy định miễn trừ kiểm tra chuyên ngành đối với một số loại hàng hóa, như hàng bị quản lý về an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe, môi trường, an ninh quốc phòng, ảnh hưởng đạo đức và thuần phong mỹ tục…
Dự kiến Nghị định sẽ được trình Chính phủ vào quý IV/2024 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025.